Hệ Thống Cân Bằng Điện Tử ESP Là Gì? Cách Sử Dụng & Lưu Ý

Hệ thống cân bằng điện tử ESP có thể coi là một hệ thống tổng của các hệ thống an toàn trên xe liên quan tới việc giám sát và can thiệp vào hoạt động của bánh xe với mục đích xử lý các tình huống xe bị trơn trượt, mất lái, thừa hay thiếu lái.

ESP hoạt động đồng thời, bổ trợ với nhiều hệ thống an toàn khác như hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), hệ thống điều khiển hành trình (CCS) hay hệ thống chống bó cứng phanh (ABS). Cùng Hà Thành Garage tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.

Hệ thống cân bằng điện tử ESP, ESC, VSC, DSC… là gì?

1. Hệ thống cân bằng điện tử ESP, VSC, DSC, ASC là gì?


Hệ thống cân bằng điện tử (Electronic Stability Program - ESP hay Electronic Stability Control - ESC) là một hệ thống an toàn trên xe ô tô, giúp xe ổn định, cải thiện tốc độ và giảm thiểu tối đa nguy cơ xe bị mất lái, thừa lái hay thiếu lái (có thể khiến xe chệch khỏi quỹ đạo) khi di chuyển.

Ở mỗi dòng xe khác nhau, ESP còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như: 

  • IVD trên Ford

  • DSC của Land Rover và BMW

  • VSC của Toyota, Suzuki và Lexus

  • VSA của Honda

  • VDC trên Nissan và Fiat

  • ESP của các dòng Mercedes, Audi, Volkswagen, Hyundai hay Chevrolet…*

* Tên gọi của các hệ thống này có thể là khác nhau nhưng về bản chất nguyên lý hoạt động là giống nhau.

2. Hệ thống cân bằng điện tử có những chức năng gì?


Chức năng của ESP có thể được làm rõ như sau:

2.1. Giữ vững lộ trình lái

ESP kiểm soát các hoạt động của xe bằng việc tính toán góc lái, gia tốc và cảm biến góc quay. Khi bánh xe có dấu hiệu bị mất lái, ESP tự động tác động lực phanh lên các bánh để kiểm soát xe.

2.2. Phối hợp cùng hệ thống ABS kiểm soát độ bám đường của xe

Điều chỉnh công suất của động cơ (mô-men xoắn) đến các bánh xe để tối ưu hóa độ bám đường của bánh xe khi di chuyển trên những cung đường trơn trượt hoặc không bằng phẳng ở bất kỳ tốc độ nào.

Chức năng này được phối hợp cùng hệ thống phanh ABS nhằm ngăn ngừa hiện tượng bó cứng bánh xe xảy ra khi phanh đột ngột - theo phương cách “nhấp nhả” phanh liên tục.

2.3. Phân phối lực phanh điện tử

Tự động cân bằng lực phanh giữa bánh trước và bánh sau trước khi ABS được kích hoạt (trong trường hợp bánh sau bị bó cứng).

Điều chỉnh lực phanh phù hợp với trọng tải xe, nhờ đó, giúp tối ưu hóa hiệu quả phanh.

2.4. Hỗ trợ phanh khẩn cấp

Hỗ trợ phanh khẩn cấp trong các trường hợp:

  • Đạp phanh gấp nhưng không đủ lực để dừng xe.

  • Bổ sung lực phanh cần thiết để giảm tốc độ nhanh nhất và giúp giảm quãng đường phanh.

Lưu ý: Tính năng phanh khẩn cấp của ESP được tắt khi người lái nhả đạp phanh (khôi phục chế độ phanh thông thường).

3. Cấu tạo và cách thức hoạt động của hệ thống cân bằng điện tử


3.1. Cấu tạo

Hệ thống ESP có cấu tạo gồm 4 bộ phận chính:

  • Bộ điều khiển thủy lực.

  • Các cảm biến: Cảm biến tốc độ bánh xe, cảm biến góc lái, cảm biến quay vòng, cảm biến gia tốc, cảm biến áp suất phanh.

  • Hệ thống trượt và cảm biến gia tốc ngang.

  • Bộ xử lý điều khiển động cơ.

3.2. Cách thức hoạt động

Hệ thống ESP thường hoạt động kết hợp với nhiều hệ thống an toàn khác của xe hơi như hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS) hay hệ thống phân phối lực phanh điện tử (EBD)... Ở góc độ nhất định, có thể nói ESP đóng vai trò là hệ thống tổng, sử dụng chung cơ cấu chấp hành với các hệ thống an toàn khác.

Ví dụ: ESP sử dụng cơ cấu chấp hành của ABS và EBD để tăng/ giảm áp suất dầu tác động lên xi lanh của từng bánh xe. Từ đó, tạo ra lực phanh chênh lệch giữa các bánh xe (thực hiện phanh độc lập trên từng bánh - bánh có sự di chuyển bất thường, mà không thực hiện toàn bộ) để ổn định xe.

Hệ thống ESP sử dụng thông tin từ nhiều cảm biến để thu thập dữ liệu về tốc độ và dự đoán về sự an toàn dịch chuyển của bánh xe:

  • Cảm biến tốc độ bánh xe: Để xác định độ trượt của bánh xe.

  • Cảm biến quay vòng, cảm biến gia tốc, cảm biến góc đánh lái, cảm biến áp suất phanh: Xác định nguy cơ xe có xu hướng lật hoặc mất lái.

Các thông số về tốc độ bánh xe, góc đánh lái, áp suất phanh… sẽ được các cảm biến đo đạc và truyền thông tin liên tục về Bộ điều khiển trung tâm của hệ thống ESP (ECU).

Tại đây, ECU sẽ phân tích thông tin thu thập được để nhận biết một trong các bánh xe hoặc tất cả các bánh xe đang có dấu hiệu di chuyển nhanh bất thường hoặc dự đoán nguy cơ mất lái để phát tín hiệu và ra yêu cầu cho các bộ phận liên quan can thiệp vào hoạt động của bánh xe để lấy lại sự cân bằng cho xe.

4. Cách nhận biết xe có cân bằng điện tử


Trước đây, ESP được coi là một trong những tính năng an tòa nâng cao, thường chỉ có ở những dòng/ mẫu xe cao cấp như Mercedes-Benz, BMW, Bosch… Tuy nhiên, hiện nay, ESP đã phổ biến hơn, rất nhiều dòng xe phổ thông đã được trang bị hệ thống này như Toyota Vios, Honda City, Toyota Innova, Suzuki Ertiga…

Để nhận biết xe của mình có được trang bị hệ thống ESP hay không, chủ xế hãy kiểm tra trên taplo ô tô có ký hiệu của ESP hay không. Ở các xe khác nhau, vị trí đặt các phím chức năng của ESP có thể khác nhau. Thông thường, chúng được thiết kế trên taplo ô tô. Để biết vị trí chính xác hoặc không tìm thấy nút bấm của hệ thống, quý khách vui lòng tra cứu trong Sách hướng dẫn sử dụng xe.

5. Cách bật/ tắt hệ thống cân bằng điện tử


Thông thường, hệ thống ESP được thiết lập ở chế độ tự động kích hoạt. Tức luôn luôn phân tích và xử lý các thông tin về hoạt động của bánh xe để đưa ra phương pháp can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ xe cần sử dụng đến nút bật/ tắt ESP để ngăn cản sự hoạt động của hệ thống này, sau đó kích hoạt lại.

Để bật/ tắt hệ thống ESP, người lái bấm vào nút bật/ tắt hệ thống được bố trí trên bảng taplo ô tô.

Khi hệ thống này hoạt động, đèn báo ESP sẽ báo sáng.

Khi hệ thống cân bằng điện tử hoạt động, đèn ESP sẽ báo sángKhi hệ thống cân bằng điện tử hoạt động, đèn ESP sẽ báo sáng

6. Một số lưu ý khi sử dụng hệ thống ESP


Như đã đề cập bên trên, trong một số trường hợp cụ thể, người lái cần ngăn cản hoạt động của hệ thống này. Tương tự với hệ thống điều khiển hành trình (CCS), các trường hợp nên tắt ESP cũng giống như CCS:

6.1. Khi off road, đi vào đường bùn lầy hoặc xe bị sa lầy

Khi xe đi trên đường bùn lầy hoặc bị sa lầy, tốc độ của các bánh xe lúc này thường không đồng đều với nhau. Thậm chí, trong trường hợp bánh xe bị xa lầy, chúng có thể bị quay trơn. Lúc này, ESP đang hoạt động sẽ nhận thấy sự bất thường của bánh xe và kích hoạt phanh hoặc giảm mô-men để hãm bánh xe lại. Khi này, sẽ khiến xe khó thoát lầy hơn.

6.2. Khi drift xe

Drift xe là một kỹ thuật lái xe mà người lái cố tình làm cho bánh xe trượt trên đường. Do vậy, nếu sử dụng ESP, hệ thống này sẽ hoạt động, can thiệp để giúp bánh xe hoạt động ổn định. Tuy nhiên, lại không đúng với mục đích của chủ xế.

7. Kết luận


Trên đây là toàn bộ thông tin cơ bản về hệ thống cân bằng điện tử ô tô được Hà Thành Garage đã tổng hợp lại. Hy vọng qua bài viết quý khách đã hiểu hơn và biết cách sử dụng hệ thống cân bằng điện tử trên chiếc xe ô tô của mình.

Cảm ơn quý khách đã quan tâm và theo dõi. Chúc quý khách lái xe an toàn.

Tham khảo thêm

Tags
Bình luận
0/5
Bình chọn