Cách Cầm Vô Lăng Ô Tô Chuẩn: Vị Trí 9h15, 10h15 Hay 10h20?

Đùn vô lăng ô tô, hay cầm vô lăng ô tô ở vị trí 10h20, 10h15… là những cách đánh lái hay cầm vô lăng ô tô sai kỹ thuật hoặc không đạt hiệu quả linh hoạt của cánh tay khi đánh lái.

Để lái xe một cách an toàn và đi đường dài mà không mỏi tay, mỏi người, người lái cần nắm vững cách cầm vô lăng ô tô và tư thế ngồi lái đúng. Bài viết này Hà Thành Garage sẽ chia sẻ cách cầm vô lăng ô tô chuẩn chỉnh nhất.

Cách cầm vô lăng ô tô chuẩn: vị trí 9h15, 10h20 hay 10h15?

1. Cách cầm vô lăng ô tô chuẩn


Cầm vô lăng ô tô chuẩn là một trong những bước đầu tiên mà người lái xe cần nắm vững để lái xe an toàn và linh hoạt xử lý trong các tình huống khác nhau.

1.1. Cầm lái ở vị trí 9h15

Vị trí cầm vô lăng chuẩn là góc 3h và 9h - hay theo nhiều lái xe hay gọi là góc 9h15. Một số người cho rằng, khi lái xe đường dài, nên đặt tay ở vị trí 10h20 hoặc 10h15. Tuy nhiên, cả hai tư thế đặt tay này là không thể điều chỉnh tay linh hoạt bằng vị trí 9h15.

Đó cũng là lý do mà tại sao, các hãng xe đều thiết kế ba chấu ở hai vị trí 3h và 9h này. Bên cạnh đó, nếu có tai nạn xảy ra, hai tay để tại hai vị trí này sẽ không cản đường bật ra của túi khí.

Cầm vô lăng ô tô ở vị trí 9h15

1.2. Luôn cầm vị trí 3h và 9h dù ở bất kỳ góc đánh lái nào

Khi đánh lái vô lăng, người lái xoay vô lăng một vòng khoảng 180 độ - khi tay bắt đầu có cảm giác bị khóa tay, thì bắt đầu đổi tay. Dù ở bất kỳ góc đánh lái nào, thì hai tay luôn bắt vô lăng ở vị trí 3h và 9h. 

Luôn cầm vô lăng tại vị trí 3h và 9h dù ở bất kỳ góc đánh lái nào

Người lái có thể luyện tập với xe tại chỗ bằng cách xoay vô lăng từ trái qua phải, với tốc độ tăng dần từ chậm đến nhanh để luyện sự linh hoạt và cảm giác của tay với vô lăng. Tuy nhiên, chủ xế cần lưu ý, khi tập đứng lái tại một chỗ quá nhiều có thể gây hại cho thước lái và lốp xe.

1.3. Luôn giữ một tay tại ít nhất một vị trí 3h hoặc 9h

Khi cầm vô lăng, người lái luôn cần giữ cố định một tay tại vị trí 3h hoặc 9h (tùy trường hợp đánh lái sang trái hay sang phải) để khi đổi tay - thả một tay ra, người lái luôn nhận thức được vị trí 3h hoặc 9h để nhả vô lăng về tư thế lái thẳng. Điều này rất quan trọng, đặc biệt khi người lái di chuyển trên đường đèo, đường núi. Tránh tình trạng bắt lái lệch, có thể xảy ra tai nạn.

Luôn giữ một tay tại ít nhất một vị trí 3h hoặc 9h

1.4. Giữ vô lăng khi xảy ra va chạm để điều khiển xe?

Khi phát hiện va chạm mạnh không thể tránh khỏi, người lái cần thu tay lại và làm điệu chào Wakanda Forever (chắt chéo hai tay trước ngực).

Người lái không nên cố gắng giữ chặt tư thế cầm vô lăng. Vì khi va chạm mạnh, đặc biệt khi vào cua, bánh xe và vô lăng sẽ quay rất mạnh, nằm ngoài vùng kiểm soát của người lái. Nếu người lái tiếp tục cầm vô lăng, túi khí bật ra, cộng thêm va chạm, chắc chắn sẽ làm tay bị tổn thương. Đây là những gì mà những tay đua chuyên nghiệp được huấn luyện để sống sót trong những vụ va chạm. 

Tuy nhiên, người lái sẽ không thể cầm vô lăng ô tô chuẩn, nếu tư thế ngồi lái chưa chuẩn. Ngồi lái chuẩn sẽ giúp người lái lái xe đúng kỹ thuật, lâu hơn, xa hơn và an toàn hơn. 

Sau cách cầm vô lăng ô tô, Hà Thành Garage gợi ý cho chủ xe cách chỉnh ghế, vô lăng để có tư thế ngồi lái đúng và thoải mái nhất.

2. Tư thế ngồi lái chuẩn


Để ngồi lái chuẩn, người lái cần căn chỉnh 3 khoảng cách và góc độ sau:

2.1. Độ cao của ghế

Đầu tiên, người lái cần điều chỉnh độ cao thấp của ghế lái sau cho vừa với tầm vóc của mình và có được tầm quan sát về phía trước tốt nhất.

2.2. Khoảng cách ghế với chân phanh và bàn đạp chân ga

Tiếp theo, người lái cần điều chỉnh khoảng cách ghế với chân phanh và bàn đạp chân ga sao cho cự li chân của mình tới hai bàn đạp này thoải mái nhất có thể. Đầu gối không quá co, cũng không quá duỗi. Nếu quá co, chân sẽ mỏi. Ngược lại, khi ở thư thế quá duỗi, người lái sẽ không thể xử lý kịp với những tình huống khẩn cấp và lực phanh sẽ không đủ. Thông thường, góc chân 130 độ là vừa vặn nhất.

2.3. Độ ngả của ghế

Độ ngả ghế là góc tạo bởi mặt ghế và tựa lưng. Theo một số chuyên gia, độ ngả ghế từ khoảng 95 - 100 độ là phù hợp.

Chỉnh tư thế ngồi xe với độ ngả ghế từ khoảng 95 - 100 độ là phù hợp

Khi ngồi ngả quá, người lái dễ bị khuất tầm nhìn khu vực sát đầu xe và không có sự linh hoạt khi điều chỉnh vô lăng xe - rất dễ rơi vào tình trạng bị với vô lăng.

>>> Đọc thêm: 5 mẹo chỉnh ghế lái ô tô ngồi thoải mái và an toàn nhất

2.4. Điều chỉnh vô lăng

Dưới đây là cách điều chỉnh vô lăng ô tô mà chủ xe nào cũng cần nắm vững:

Cổ tay chạm vào vị trí 12h khi duỗi thẳng cánh tay

Để điều chỉnh vô lăng, người lái ngồi ngả hết lưng vào ghế tại tư thế ghế đã chỉnh ở bước 3. Sau đó, người lái duỗi và đưa thẳng cánh tay phải lên, sao cho cổ tay chạm vào vị trí 12h ở trên vô lăng. Đây là cự li chuẩn.

Lưu ý là cổ tay chạm vào vô lăng, không phải lòng bàn tay. Khi ngồi tại tư thế tựa hết lưng vào ghế xe, lòng bàn tay đặt vừa đủ để nắm vị trí 12h trên vô lăng. Vậy khi xoay vô lăng, đặc biệt là đến vị trí 9h hay 3h, sẽ không đủ tầm tay để điều khiển. Sẽ bị rơi vào trạng thái ngồi hơi xa, hơi ngả. Khi vần vô lăng sẽ khó điều chỉnh kịp thời trong những tình huống khẩn cấp.

Ngược lại, khi mình ngồi quá sâu (ngồi quá sát vô lăng) thì với những tình huống vượt vô lăng ở tư thế khó, hai tay có thể chạm nhau. Hơn nữa, khi tai nạn xảy ra, túi khí bật ra sẽ ảnh hưởng tới mình.

Cánh tay và đùi song song với nhau

Bên cạnh đó, người lái cần điều chỉnh độ cao của vô lăng sau cho cánh tay và đùi song song với nhau. Để trong bất kỳ tư thế vô lăng nào, khi đánh lái hay xoay vô lăng (tình huống vần vô lăng), cánh tay sẽ không bị chạm vào đùi.

2.5. Chỉnh gương

Bước cuối cùng để có một tư thế lái chuẩn là cần chỉnh gương ô tô. Người lái ngồi tại vị trí đã chỉnh các góc, tư thế ngồi và độ cao vô lăng, điều chỉnh gương sao cho có thể quan sát đầy đủ và bao quát nhất tình hình giao thông xung quanh xe. Giảm thiếu tối đa những điểm mù và góc khuất của xe.

>>> Tham khảo thêm: Mẹo chỉnh gương chiếu hậu ô tô giúp tối ưu góc quan sát

3. Kết luận


Trên đây là toàn bộ thông tin cùng hướng dẫn cách cầm vô lăng ô tô, cách đánh lái và cách chỉnh tư thế ngồi lái ô tô đúng. Giúp người lái lái xe an toàn - xử lý linh hoạt trong các tình huống, đi lâu và đi xa, hạn chế tình trạng mỏi tay, mỏi người khi đi đường dài.

Cảm ơn quý khách đã quan tâm và theo dõi. Chúc quý khách lái xe an toàn!

Hà Thành Garage chuyên bảo dưỡng, sửa chữa ô tô uy tín, chất lượng, luôn đồng hành cùng quý khách!

>>> Tham khảo thêm bài viết

Tags
Bình luận
0/5
Bình chọn