Chia Sẻ Kinh Nghiệm Lái Xe Trời Mưa Lũ & Cách Xử Lý Sự Cố

1. Lưu ý khi lái xe khi trời mưa lớn


Theo các chuyên gia của Ford Việt Nam, khi lái xe dưới trời mưa lớn, người lái cần giảm tốc độ, để gạt mưa ở chế độ nhanh để có thể quan sát rõ nhất, nhanh nhất khoảng không gian phía trước xe và xung quanh.

Người lái cần giữ khoảng cách an toàn xa hơn, đánh lái và đạp phanh nhẹ nhàng để tránh trượt. Thực tế khi lái xe trời mưa, đường trơn, ma sát giảm mạnh nên độ trượt của xe lớn, khoảng cách phanh để xe dừng lại dài hơn gấp đôi, gấp ba bình thường.

Bên cạnh đó, lái xe nên bật đèn chiếu sáng phía trước để vừa tăng khả năng quan sát, vừa cảnh báo cho xe đi ngược chiều. Ngoài ra, chúng ta cần chú ý những vũng nước đọng bên đường bởi chúng hoàn toàn có thể là những ổ gà, ổ trâu hay hố sâu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

2. Lưu ý khi lái xe qua đường ngập nước trong vùng lũ, bão


Trong vùng đang xảy ra bão lũ, việc lái xe tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, dòng nước chảy siết có thể làm sạt lở mặt đường, thậm chí làm biến mất cả một đoạn đường mà chúng ta không nhận biết được.

Cùng với đó, với mực nước cao tạo thành một đệm nước phía dưới xe làm cho trọng lượng xe và độ bám đường giảm đi. Đồng thời chiều dài thân xe bị ngập nước sẽ tạo thành một vật cản dòng chảy, trong khi đó chiếc xe đóng kín cửa sẽ như một chiếc thuyền, phao rất dễ bị dòng nước cuốn trôi.

Vì vậy lời khuyên của các chuyên gia khi gặp đường bị ngập nước trong vùng có bão lũ là nên quay lại, tìm đường khác hoặc phải tìm cách đỗ xe ở nơi vị trí cao, an toàn và bình tĩnh chờ nước rút chứ không nên cố gắng thử lái xe đi qua.

3. Lưu ý khi lái xe qua đường ngập nước thông thường


Khi lái xe qua đường ngập nước thông thường, người lái cần phải xác định độ sâu của vùng bị ngập nước (không vượt quá tâm bánh xe, riêng một số mẫu xe có khả năng off-road cao, xe phổ thông như Ranger có thể lội nước sâu 800mm hoặc cao hơn).

Cần tắt tất cả các phụ tải không cần thiết như điều hòa, hệ thống giải trí trên xe để giảm tải cho động cơ. Đặc biệt, lái xe cần đi số thấp (số 1 hoặc 2) và đi đều ga, tránh tăng ga lấy đà. Với xe số tự động cũng thường có các chế độ điều khiển tay với số ảo từ thấp tới cao như D+/D-, M+/M-, S+/S-…

4. Lưu ý khi xử lý khi xe chết máy trong vùng ngập nước


Nếu đang lưu thông trong vùng ngập nước mà ô tô bị chết máy thì tuyệt đối không được khởi động lại. Nếu khởi động lại, chúng ta có thể tạo ra hiện tượng thủy kích với hậu quả nặng nề có thể là cong tay biên, nặng hơn là gãy tay biên, vỡ lốc máy.

Vì thế cách tốt nhất trong trường hợp này nếu có thể hãy đẩy xe của bạn đến vị trí không bị ngập và chờ cứu hộ.

Khi xe bị thủy kích nên tắt máy và gọi cứu hộ

5. Lưu ý khi kéo xe


Khi kéo xe ô tô gặp nạn, với xe dẫn động 4 bánh và có hộp số tự động, hệ thống chống trượt, hệ thống tự cài cầu thì chỉ nên chuyên chở bằng xe có mặt phẳng phía sau, cố định 4 bánh.

Trường hợp với xe dẫn động 1 cầu thì sẽ nâng bánh phía hệ dẫn động: Nâng bánh trước với xe dẫn động cầu trước và nâng bánh sau với hệ dẫn động cầu sau, hai bánh còn lại tiếp đất.

6. Lưu ý khi đỗ xe trong khu vực ngập nước


Lái xe cần tắt chìa khóa điện, xác định điểm ngập nước cao nhất với xe. Nếu nước ngập chưa quá tâm bánh xe thì có thể xem xét và vận hành xe bình thường. Nếu nước ngập quá tâm bánh xe, thậm chí ngập cả sàn xe hoặc tràn vào khoang xe, cần gọi ngay cứu hộ.

Theo các chuyên gia Ford, khi chờ cứu hộ, lái xe nên chủ động tháo dây ắc quy để tắt toàn bộ hệ thống điện của xe, tránh các hư tổn khi bị ngập nước, đồng thời nếu có thể thì đẩy xe đến vị trí khô ráo.

Tương tự như bị chết máy khi đang lưu thông trong vùng ngập nước, lái xe tuyệt đối không được khởi động xe vì rất có thể nước đã tràn vào động cơ, việc khởi động lại sẽ gây ra hiện tượng thủy kích nêu trên.

Sau khi xe được đưa tới đại lý, garage, lái xe cần nói rõ điểm ngập nước cao nhất cho nhân viên kỹ thuật của đại lý để họ có thể xác định đúng mức độ ảnh hưởng với xe và có các biện pháp kiểm tra và vệ sinh các hệ thống hợp lý.

Ngoài ra, lời khuyên với các chủ xe ô tô là nên chủ động mua bảo hiểm Thủy kích/ Ngập nước để được hỗ trợ trong các trường hợp rủi ro này.

>>> Tham khảo thêm bài viết khác

Tags
Bình luận
0/5
Bình chọn