Làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc là làn đường trong cùng và được phân cách với đường cao tốc bằng vạch kẻ liền trắng. Được quy định sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp như trục trặc xe, sức khỏe người lái không đảm bảo và cho các phương tiện ưu tiên.
Vậy khi nào được dừng xe ở làn khẩn cấp? Quy định và mức xử phạt nếu lái xe trên làn này như nào? Hãy cùng Hà Thành Garage tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc là gì?
Làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc là phần đường cho phép các phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc nhưng bất ngờ gặp sự cố về sức khỏe hay trục trặc về xe mà không thể tiếp tục điều khiển an toàn. Hoặc các phương tiện ưu tiên như xe quân sự, xe công an, xe cấp cứu… có thể đỗ/ dừng xe tại đây để đảm bảo cho sự lưu thông tốc độ cao của các phương tiện khác.
Làn dừng xe khẩn cấp nằm sát lề đường bên tay phải, phần làn đường trong cùng chạy dọc theo đường cao tốc. Làn khẩn cấp thường có độ rộng tiêu chuẩn là 3.3m (kích thước vừa đủ cho một chiếc xe tải lớn mà không bị lấn sang làn đường chính) và được sơn vạch liền màu trắng để tách biệt với các làn xe khác.
Phần đường dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc thường xuất hiện dưới 2 dạng: Làn khẩn cấp cứng và làn khẩn cấp mềm. Làn khẩn cấp cứng được trải nhựa hoặc bê tông giống với mặt đường chính. Còn làn khẩn cấp mềm thông thường chỉ là phần đường bằng đất hoặc sỏi đá…
Điểm đặc biệt của thiết kế làn đường khẩn cấp là khi ô tô chạy đè vào phần vạch trắng ngăn cách sẽ tạo ra tiếng rít để cảnh báo người lái đã đi lệch làn đường.
2. Khi nào được dừng xe ở làn khẩn cấp trên cao tốc?
Theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 số 23/2008/QH12 quy định, các phương tiện không được phép di chuyển trong làn dừng xe khẩn cấp đường cao tốc và phần lề đường được ngăn cách với phần đường chính bằng vạch kẻ liền trắng.
Lái xe chỉ được phép di chuyển vào phần đường khẩn cấp trên đường cao tốc trong những trường hợp sau:
-
Xe gặp trục trặc trong một vài trường hợp như hết xăng, chết máy, thay lốp,...
-
Sức khỏe của tài xế không đảm bảo.
Ngoài ra, các loại phương tiện ưu tiên như xe cấp cứu, xe cứu hỏa, xe cảnh sát/ quân sự, xe cứu thương… được phép di chuyển/ đỗ/ dừng xe tại đây trong trường hợp khẩn cấp, cứu trợ/ cứu hộ/ cứu nạn hay thi hành nhiệm vụ.
3. Lưu ý khi di chuyển vào làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc
Phần lớn các phương tiện di chuyển trên đường cao tốc đều di chuyển với tốc độ rất nhanh. Do vậy, khi gặp tình huống khẩn cấp và muốn sử dụng làn khẩn cấp, chủ xế cần lưu ý một số điều sau để dừng xe một cách an toàn, tránh xảy ra va chạm với các phương tiện khác:
3.1. Tránh dừng/ đỗ xe ở những điểm khuất, đường giao nhau
Tránh dừng/ đỗ xe ở những điểm khuất, đường giao nhau. Thay vào đó, nên lựa chọn điểm đỗ xe thông thoáng, dễ quan sát cho các phương tiện đang di chuyển. Với mục đích dễ nhận biết cho các phương tiện đang lưu thông để chủ động di chuyển với một khoảng cách phù hợp hoặc để các phương tiện cứu hộ dễ dàng nhận biết và tiếp cận.
3.2. Chú ý quan sát các phương tiện phía sau và chuyển làn từ từ
Khi di chuyển vào làn đường khẩn cấp, cần chú ý quan sát các phương tiện phía sau, tuần tự chuyển từng làn một cho đến khi dừng vào làn khẩn cấp. Tuyệt đối không chuyển làn liên tiếp vì các phương tiện khác sẽ khó có thể chủ động giảm tốc độ và nhường đường khi đang di chuyển với tốc độ cao và tiềm ẩn nguy hiểm lớn gây ra tai nạn.
3.3. Bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi chuyển làn và cả khi đã dừng xe
Bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi xin nhường đường di chuyển vào làn đường khẩn cấp và tiếp tục duy trì bật đèn cảnh báo ngay cả khi đã dừng xe vào làn. Để báo hiệu cho các phương tiện xung quanh chủ động nhường đường, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn và để các phương tiện cứu hộ dễ dàng xác định.
3.4. Kéo phanh tay để tránh trôi xe
Kéo phanh tay sẽ giúp xe cố định trên đường, không bị trôi khi đã dừng xe.
3.5. Đánh lái phần đầu xe về bên phải
Khi đã dừng xe vào làn đường khẩn cấp, nên đánh lái phần đầu xe về phía tay phải. Để tránh trường hợp không may bị phương tiện khác đâm phải, sẽ lao ra ngoài thay vì lao ngược lại vào đường cao tốc. Nguy hiểm cho chính xe của mình và các phương tiện khác đang lưu thông.
3.6. Di tản hành khách đến khu vực an toàn và đặt biển phản quang cảnh báo
Nên di tản hành khách trên xe đến khu vực an toàn để tránh rủi ro bị va chạm có thể gây thiệt hại về người. Đồng thời, cần đặt biển phản quang cảnh báo nguy hiểm ở phần đuôi xe - cực kỳ quan trọng vào ban đêm, làm dấu hiệu để các phương tiện dễ dàng quan sát.
3.7. Tuyệt đối không đứng tại phần đuôi xe
Trong khi đợi cứu hộ, tuyệt đối không nên đứng tại phần đuôi xe vì nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra va chạm. Trường hợp đi ra ngoài xe, người lái nên đứng ở phần đầu mui xe hoặc đứng tại vị trí an toàn khác.
>>> Tham khảo thêm: Một số kinh nghiệm lái xe trên đường cao tốc chủ xế cần nắm rõ
4. Phương tiện vi phạm dừng xe vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc bị xử phạt như thế nào?
Đối với những phương tiện phạm lỗi đi vào làn đường khẩn cấp, không thuộc đối tượng và trường hợp được quy định/ ưu tiên, theo Điều 5 tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sẽ bị xử phạt theo mức phạt như sau:
-
Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 VNĐ
-
Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Và cơ quan thẩm quyền được phép xử phạt hành chính đối với lái xe phạm lỗi đi vào làn đường khẩn cấp bao gồm:
-
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
-
Cảnh sát giao thông
-
Cảnh sát cơ động
-
Cảnh sát phản ứng nhanh
-
Cảnh sát quản lý hành chính
-
Cảnh sát trật tự xã hội
>>> Xem thêm: Mất giấy đăng ký xe ô tô phải làm sao?
5. Kết luận
Tóm lại, làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc chỉ dành cho những trường hợp khẩn cấp như trục trặc xe, sức khỏe người lái không đảm bảo, hay trường hợp thi hành nhiệm vụ của các phương tiện ưu tiên (xe công an, cảnh sát, xe cứu thương…).
Khi di chuyển vào làn đường khẩn cấp, chủ xế cần lưu ý bật đèn cảnh báo trong suốt quá trình cần hỗ trợ, quan sát các phương tiện xung quanh, chuyển làn tuần tự. Bên cạnh đó, cần lưu ý một số thao tác khác như đỗ xe tại nơi thông thoáng, đặt biển cảnh báo, đánh lái xe về bên phải… để đảm bảo an toàn cho bản thân và xe, giúp các phương tiện khác và cứu hộ dễ nhận biết.
Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt nặng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, là cần thiết để các chủ xế nắm bắt quy định, tránh thiệt hại về tài chính và lỡ các công việc cá nhân cần thiết.
Cảm ơn anh/chị đã quan tâm và theo dõi bài viết của Hà Thành Garage. Chúc anh/chị luôn an toàn trên mọi chuyến đi!
>>> Tham khảo bài viết liên quan