Hiểu đúng về quy trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của lực lượng CSGT

Thời gian gần đây, trên một số báo và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin chưa chính xác về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA. Cùng Hà Thành Garage tìm hiểu thêm về quy trình này của lực lượng CSGT để an tâm lái xe trong mọi hoàn cảnh

1. Không thay đổi các trường hợp được dừng phương tiện


Thông tư số 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an (Thông tư 65) được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Thông tư số 01/2016/TT-BCA (Thông tư 01), nên quy định về các trường hợp được dừng phương tiện cơ bản không thay đổi và được kết cấu lại thành 04 trường hợp Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, gồm:

+ Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

+ Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

+ Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Như vậy, Thông tư 65 chỉ rút gọn lại 05 trường hợp dừng phương tiện như trước đã quy định tại Thông tư 01 thành 4 trường hợp mà nội dung không thay đổi.

2. Bố trí cán bộ CSGT hóa trang (mặc thường phục) sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật


Thông tư số 65 quy định trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận Cảnh sát giao thông mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.

Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.

Quy định này cũng được kế thừa từ Thông tư 01 trước đây.

3. Thông báo công khai kế hoạch TTKS


Căn cứ Điều 14 Thông tư số 65 thì các Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ; Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông;  Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách sẽ được thông báo công khai theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để nhân dân biết, giám sát.

Hình thức thông báo công khai: Niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông hoặc Cổng thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông; Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; áp dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung thông báo công khai: Đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; Tuyến đường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; Loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; Thời gian thực hiện kế hoạch.

Như vậy, cá nhân, tổ chức căn cứ vào các hình thức công khai để theo dõi, nắm bắt các kế hoạch TTKS của lực lượng CSGT, thực hiện quyền giám sát của mình theo quy định của pháp luật.

4. Tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm TTATGT do người dân cung cấp


Thông tư số 65 quy định tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh, thì có thể cung cấp cho đơn vị Cảnh sát giao thông nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp.

Tổ chức, cá nhân phải có tên, họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.

Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ Cục Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để nhân dân biết cung cấp.

Thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh, cán bộ CSGT báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền để thực hiện biện pháp xử lý:

+ Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định.

+ Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật như tiến hành xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện; gửi thông báo mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông đến cơ quan Công an để làm rõ vụ việc. Trường hợp quá thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông chưa đến trụ sở cơ quan Công an đã ra thông báo để giải quyết vụ việc thì người có thẩm quyền xử phạt tiếp tục gửi thông báo đến Công an cấp xã để phối hợp xử lý.

Trong quá trình xác minh, xử lý lực lượng CSGT dùng nhiều biện pháp khác nhau để xem xét, làm căn cứ xử phạt để đảm bảo tính khách quan, xác thực trong việc xử lý. Nếu xác định thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả, thì CSGT sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

>>> Xem thêm bài viết:

Tags
Bình luận
0/5
Bình chọn